Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10 đạt kim ngạch hơn 845 triệu USD, tăng trưởng 18,2% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đạt 7,22 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. Với đà này, ngành gỗ Việt Nam đang nỗ lực để đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU là các thị trường chính của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam với tỷ lệ chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu.
Còn theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu sản phẩm gỗ của Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước cung cấp sản phẩm này lớn nhất cho Mỹ.
Theo các chuyên gia, ngành gỗ Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018 sau khi đã được 7 nước thành viên thông qua. Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU cũng vừa được ký kết. Hiệp định này nhằm giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến sản phẩm gỗ của Trung Quốc khó vào Mỹ và đây là cơ hội cho các thị trường xuất khẩu khác, đặc biệt là Việt Nam.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội xuất khẩu là vấn đề không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp nội, do đang gặp khó khăn về vùng nguyên liệu. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu hiện đang quan ngại về vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, tính bền vững và đặc biệt là việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), những sản phẩm có giá trị cao, hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa gây dựng được uy tín đối với thị trường này.
Trên thực tế, trong khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản hiện nay, có đến 93% là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không tập trung. Trong khi đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm rất lớn và từ nhiều thị trường khác nhau, nên việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu, đảm bảo 100% gỗ sạch là một thách thức không hề nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu, nhất là những mặt hàng giá trị cao vào thị trường EU. Tuy nhiên, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng dần tính chuyên nghiệp để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, nhất là nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ nội thất Bình Dương kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Đồ gỗ nội thất Hiệp Long cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.
Cụ thể, để lách thuế nhập khẩu cao từ Mỹ, cũng như hưởng ưu đãi thuế từ các thị trường thành viên CPTPP, các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Trung Quốc có thể hướng sang Việt Nam đầu tư nhà máy. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với doanh nghiệp trong nước, cả về thị trường và về thu hút lao động.
Để ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam không bị lép vế ngay trên sân nhà, các chuyên gia đều cho rằng, cách tốt nhất là doanh nghiệp nội phải tập trung nâng cao trình độ sản xuất, trình độ quản trị doanh nghiệp và đầu tư, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình.
(Nguồn: vietnambiz.vn)